Trong số chúng ta hẳn ai đó đã từng nghe qua câu chuyện Niccolo Paganini, một nghệ sỹ vĩ cầm đầy sắc thái và tài năng của thế kỷ 19 với cây đàn vĩ cầm một dây. Chẳng là, trong buổi hòa nhạc hôm đó, Pagan...
- Bài học cách chia sẻ lợi nhuận của một chủ biên tạp chí / Trở thành nhà quản lý tài năng chỉ với 7 quy tắc vàng
Trong số chúng ta hẳn ai đó đã từng nghe qua câu chuyện Niccolo Paganini, một nghệ sỹ vĩ cầm đầy sắc thái và tài năng của thế kỷ 19 với cây đàn vĩ cầm một dây.
Chẳng là, trong buổi hòa nhạc hôm đó, Paganini đứng chơi một bản nhạc khó trong một khán phòng chật kín người. Một ban nhạc vây quanh ông cùng hòa nhạc với ông.
Bất chợt, một dây đàn bị đứt và treo lóng lánh dưới cần đàn của ông. Những giọt mồ hôi từ trán ông tuôn ra. Ông lo lắng nhưng vẫn tiếp tục chơi, ứng biến một cách tốt đẹp.
Dây đàn thứ hai lại bị đứt trước sự ngạc nhiên của nhạc trưởng. Và ngay sau đó là dây thứ ba. Giờ thì có ba dây đàn bị đứt đang đong đưa trên chiếc vĩ cầm của Paganini, khi người nghệ sỹ bậc thầy này hoàn thành khúc cao trào với chỉ một dây còn lại. Khán giả nhịp chân và trong phong cách lịch thiệp của người Ý, đại sảnh đã ngập tràn những tiếng "hoan hô".
Khi tiếng vỗ tay khen ngợi lắng xuống, người nghệ sỹ vĩ cầm này yêu cầu mọi người ngồi xuống. Mặc dù họ hiểu chẳng còn cách nào để mong ông biểu diễn phần còn lại, nhưng mọi người đều yên lặng ngồi xuống chỗ ngồi của mình.
Ông nâng đàn lên cao cho mọi người nhìn thấy rồi gật đầu với người chỉ huy dàn nhạc để bắt đầu chơi lại và rồi quay mặt về đám đông.
Với một ánh mắt ngời sáng, ông mỉm cười và nói to: "Đây là Paganini với một dây đàn!".
Rồi ông đặt chiếc đàn Stradivarius một dây dưới cằm và chơi nốt đoạn cuối với chỉ một dây đàn khiến khán giả lắc đầu trong tột cùng kinh ngạc. Buổi biểu diễn kết thúc vô cùng ấn tượng. Đó là một giai thoại tuyệt vời, biểu tượng của tinh thần nghệ thuật thế kỷ XIX.
Trở về thực tại, cuộc đời mỗi người khó mà mãi suôn sẻ. Sẽ có những cung đàn đứt đoạn trong cuộc đời. Bạn có buồn đau, trăn trở với nó? Thậm chí, bạn xin dừng cuộc chơi và coi nó là một sự thất bại. Không ít trường hợp khi lâm vào cảnh nguy khốn, đã chấp nhận dừng chân, từ bỏ giấc mơ của mình.
Tôi có một người bạn, được xếp vào hạng thông minh, nhanh nhạy. Sau khi tốt nghiệp đại học, đi làm 5 năm, cô tích được một số vốn nho nhỏ. 27 tuổi, cô ấy mạnh dạn mở một quán ăn nhỏ kiểu Hàn Quốc ở trung tâm Hà Nội. Nhưng vì chưa có kinh nghiệm quản lý tài chính, quản lý nhà hàng và giá tiền thuê mặt bằng quá đắt đỏ.., quán ăn buộc phải đóng cửa sau 6 tháng khai trương. Dĩ nhiên, cô bạn rất buồn và suy sụp. Cô ấy bảo, toàn bộ số tiền tiết kiệm của thời thanh xuân, cô đã dốc cả vào đó đều tan tành mây khói.
Sau này có lần, bọn tôi đi uống rượu đêm với nhau, cô ấy buồn bã thú nhận: "Từ ngày quán ăn của tớ đóng cửa, tớ sợ tới nỗi 2 năm nay không dám bước chân vào quán ăn Hàn Quốc. Tớ ngửi thấy mùi đồ ăn Hàn Quốc là tự dưng nhớ tới quán ăn ngày trước, cảm giác nôn nao trào lên trong lòng. Tớ chưa vượt qua được sự sợ hãi của lần thất bại ê chề đó.".
Thực sự với những người kiêu ngạo, sự thất bại giống như một cú tát tai trời giáng vào lòng tự tôn của họ. Chấp nhận nó đã đành, nhưng vượt qua nó lại là một câu chuyện khác.
Ngạn ngữ Trung Quốc có một câu rất hay: "Một lần bị rắn cắn, mười năm vẫn sợ sợi dây thừng".
Hầu hết mọi người trước khi làm việc gì đều rất hào hứng, tràn đầy tin tưởng, nhưng khi thất bại thì nản luôn, không dám bắt đầu lại một dự án mới, hoặc bắt đầu với tâm lý dè dặt, luôn sợ đổ vỡ.
Tâm lý thông thường là vậy mà không hiểu rằng người thành công khác người không thành công là ở chỗ: Người thành công đi hết chặng đường để đón nhận quả ngọt ở đích đến, còn người thất bại thì dừng lại cách đích một lằn chỉ mong manh.
Thất bại luôn là con đường bền vững dẫn đến thành công, hãy làm lại từ thất bại
Có một câu chuyện kể rằng: Hai người nọ bị lạc trên sa mạc. Số nước dùng đã sắp hết. Họ buộc phải đưa ra một lựa chọn cuối cùng: Một trong hai người mang số nước còn lại lên đường đi tìm nguồn nước. Trước khi đi, anh để lại cho bạn một khẩu súng và một viên đạn, dặn rằng nếu trong thời gian nhất định, anh không quay lại thì người bạn có thể tự kết liễu đời mình, tránh gặp một cái chết bi thảm. Nhưng, anh khẳng định chắc chắn mình sẽ quay lại. Và việc duy nhất bạn anh cần làm lúc đó là chờ đợi và tin tưởng.
Thỏa thuận xong, anh lên đường tìm nước. Trải qua bao gian khổ, cuối cùng anh đã mang nước về cho bạn. Nhưng khi anh sắp đến đích rồi thì một tiếng súng đanh gọn vang lên giữa sa mạc khô cằn. Anh đau đớn gục xuống cát. Người bạn của anh đã không đợi được đến khi anh trở về. Bởi anh ta không đủ niềm tin vào một phép màu, không đủ tin rằng bạn anh sẽ trở lại. Anh ta đã tự giết chết mình khi cơ hội sống chỉ cách vài bước chân.
Câu chuyện của những người thiếu niềm tin, luôn vội vã từ bỏ cơ hội thường buồn như vậy. Khi bạn thất bại, bạn từ bỏ các cơ hội làm lại, và mãi mãi ở vị trí cũ, hay bạn làm lại, để đến một vị trí khác tốt đẹp hơn.
Nhưng, cũng có câu chuyện truyền cảm hứng khác, về Steve Jobs - cha đẻ của Apple. Steve đã gây dựng nên sự nghiệp khác biệt của mình bằng cách kiên trì theo đuổi mục tiêu bằng bất cứ giá nào. Ông khuyên rằng bạn cũng nên làm như vậy.
"Bạn cần phải tìm kiếm không ngừng nghỉ thứ mà bạn yêu thích", Steve Jobs nói trong một bài phát biểu ở Stanford, "Công việc của bạn sẽ chiếm một phần không nhỏ trong cuộc đời bạn, và cách duy nhất để cảm thấy thỏa mãn là làm điều mà bạn tin rằng đó là một công việc tuyệt vời. Và cách duy nhất để làm một công việc tuyệt vời là làm điều bạn thích. Nếu bạn vẫn chưa tìm thấy nó, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng vội dừng lại".
Cho dù bạn không phải là một thiên tài như Steve Jobs, lời khuyên ấy là dành cho tất cả mọi người.
Vào thế kỷ XIX, khi loài người vẫn tin rằng họ và muôn loài được sinh ra bởi các đấng thần linh, thì Thuyết tiến hóa của Charles Darwin đã đốn đổ mọi tòa tháp niềm tin thần thánh đó. Không có bàn tay thần thánh nào tạo ra con người, muôn loài cũng vậy. Còn Darwin thì sao? Suốt quãng đời trẻ tuổi, ông đã dành phần lớn thời gian sống trong lặng lẽ. Ông trở nên nổi tiếng với thành công của cuốn sách Nguồn gốc các loài gây chấn động thế giới khi tuổi đã bước tới ngoài 50.
Chúng ta đều hiểu, niềm tin không bao giờ đúng tuyệt đối, nhưng nó lại hoàn toàn đúng với những người tin và hành động theo nó. Bởi những gì bạn tin tưởng sẽ trở thành sự thật đối với bạn. Và bạn làm tất cả chỉ để cả thế giới phải thừa nhận: Bạn đã đúng với lý tưởng đã chọn và ngoan cố đi theo.
Bạn còn nhớ, bộ phim Tây du kí do Trung Quốc sản xuất đã gắn bó với tuổi thơ của chúng ta chứ? Có bao giờ bạn tự hỏi, bạn từng tự hỏi: Vì mong muốn dân chúng đỡ khổ, mà Đường Tăng quyết tâm lên đường sang Tây Trúc lấy kinh, trong khi không có chút kinh nghiệm nào, cũng không biết đường đến đó sẽ ra sao.
Điều gì khiến ông ta tin rằng mình sẽ thành công và hẹn 3 năm trở lại? Tôi vẫn nhớ bài hát chủ đề của bộ phim: Xin hỏi đường ở phương nào? Và câu trả lời là: Đường ở dưới chân bạn đó!Đúng vậy, đường dưới chân bạn, bạn cứ đi, rồi sẽ tới. Muốn thành công, đừng sợ thất bại. Nếu bạn đã 30, thậm chí 40 tuổi mà chưa có gì trong tay thì cũng đừng buồn, bởi không bao giờ là quá muộn để bạn bắt đầu một chương mới, một khởi đầu mới cho thành công của cuộc đời mình.
Câu chuyện về Jack Ma chẳng mấy ai xa lạ: Trước khi trở thành tỷ phú, xây dựng nên một đế chế Alibaba, ông đã 2 lần trượt đại học, 10 lần bị Harvard từ chối và 30 lần xin việc thất bại. Nhưng nếu Jack Ma bỏ cuộc ngay từ đầu, thì chắc chắn đã không có một Jack Ma quyền lực, giàu có như hiện tại. Ngoài sự khác biệt, tin vào điều mình thực hiện, ngoan cố với mục đích ban đầu, thì cho dù số phận có trêu ngươi bạn tới đâu, bạn sẽ vẫn có cách hóa giải và cán đích ngoạn mục.
Tôi nhớ, Francis Quar có một câu nói xếp vào hàng kinh điển dành cho những ai từng thất bại, từng gục ngã, từng bỏ cuộc: "Nếu số phận chia cho bạn những quân bài xấu, hãy để sự khôn ngoan biến bạn thành người chơi giỏi". Sự khôn ngoan ấy chính là ý chí, niềm tin, là sự khác biệt, không ngừng nỗ lực học hỏi của bạn. Tin tôi đi, tiến về phía trước - một cách đúng hướng, chắc chắn bạn sẽ chạm tới Thành công.