Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines), có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, là công ty sở hữu đối với hãng hàng không Bamboo Airways. Bamboo Airways được thành lập năm 2017, là công ty thành viê...
- Bamboo Airways khó độc quyền tự nhiên trong ngành hàng không / Người Thái hứa sẽ không để thương hiệu Sabeco bị biến mất
Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines), có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, là công ty sở hữu đối với hãng hàng không Bamboo Airways. Bamboo Airways được thành lập năm 2017, là công ty thành viên của Tập đoàn FLC dưới sự lãnh đạo của tỷ phú Trịnh Văn Quyết.
Theo như định hướng phát triển của hãng thì thay vì tập trung vào các thành phố lớn vốn có cơ sở hạ tầng hàng không đã phát triển, Bamboo Airways tập trung khai thác thị trường ngách, bao gồm các tuyến bay thẳng từ quốc tế và trong nước tới các điểm du lịch mới nổi của Việt Nam.
Bamboo Airways hướng tới khai thác các tuyến bay thẳng từ quốc tế tới các điểm du lịch Việt Nam, bao gồm các địa phương có dự án của FLC, như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc, Nha Trang…
Bên cạnh đó là các đường bay trong nước, kết nối các điểm du lịch như đường bay Thanh Hóa - Quy Nhơn, Thanh Hóa - Phú Quốc, Thanh Hóa - Nha trang, Hải Phòng - Quy Nhơn....
Trong hai năm đầu tiên, Bamboo Airways sẽ hoạt động trong nước khoảng 8 - 10 tuyến bay với các điểm đến ưu tiên như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Quy Nhơn hay Nha Trang…
Từ năm thứ ba, các tuyến bay quốc tế sẽ được triển khai kết nối trong nước với các vùng lãnh thổ Đông Bắc Á quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Hong Kong, Đài Loan…
Dự kiến đến năm 2023, Bamboo Airways sẽ mở 24 đường bay nội địa và 16 đường bay quốc tế.
Trước đó, để từng bước thực hiện kế hoạch này, ngày 6/3, hãng đã ký thỏa thuận mua 24 máy bay A321NEO của tập đoàn Airbus với giá 3 tỷ USD. Cuối tháng 6, 1 hợp đồng mua của Boeing 20 máy bay thế hệ mới Boeing 787-9 Dreamliner giá trị 5,6 tỷ USD phục vụ cho Bamboo Airways cũng đã được ký kết.
Như vậy, ở thời điểm hiện tại, Bamboo Airways đã mua 44 máy bay phục vụ cho hãng hàng không mới này. "Chúng tôi đã chuẩn bị tất cả về hạ tầng, nhân sự để tháng 10/2018 tới đây Bamboo Airways cất cánh. Tôi có thể khẳng định 99% là hãng sẽ bay được trong năm nay", ông Trịnh Văn Quyết nói.
Tuy nhiên, với số vốn điều lệ hiện tại là 700 tỷ đồng, nếu muốn khai thác hàng chục máy bay thì với Bamboo Airways, đó là điều không thể. Bởi lẽ, theo quy định của Luật Hàng không dân dụng 2006 và Nghị định Về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung 2013, tại Chương 2, Điều 8 Điều kiện về vốn có quy định:
"1. Vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không và duy trì kinh doanh vận chuyển hàng không:
a) Khai thác đến 10 tàu bay: 700 tỷ đồng Việt Nam đối với hãng hàng không có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 300 tỷ đồng Việt Nam đối với hãng hàng không chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa;
b) Khai thác từ 11 đến 30 tàu bay: 1.000 tỷ đồng Việt Nam đối với hãng hàng không có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 600 tỷ đồng Việt Nam đối với hãng hàng không chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa;
c) Khai thác trên 30 tàu bay: 1.300 tỷ đồng Việt Nam đối với hãng hàng không có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 700 tỷ Đồng Việt Nam đối với hãng hàng không chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa".
Như vậy, nếu kế hoạch cất cánh trong năm nay được thực hiện, Bamboo Airways chỉ khai thác các tuyến vận chuyển nội địa thì hãng này được phép khai thác trên 30 máy bay.
Còn nếu muốn khai thác cả tuyến nội địa và quốc tế thì Bamboo Airways sẽ chỉ được khai thác tối đa 10 máy bay. Muốn số lượng máy bay được phép khai thác lớn hơn, điều kiện bắt buộc là hãng hàng không này phải tăng thêm vốn điều lệ.