Trong giai đoạn 2014 – 2017, Công ty TNHH Khảo sát địa vật lý PTSC CGGV (liên doanh giữa Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thật Dầu khí Việt Nam và Công ty CGGVeritas Service Holding BV.) đã lỗ lũy kế 786,5 tỷ đồng. Năm 2011, Tổng c&o...
- Bảo hiểm PVI đạt doanh thu hơn 4.300 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm / VPBank lên tiếng về việc nội dung email giả danh ngân hàng
Trong giai đoạn 2014 – 2017, Công ty TNHH Khảo sát địa vật lý PTSC CGGV (liên doanh giữa Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thật Dầu khí Việt Nam và Công ty CGGVeritas Service Holding BV.) đã lỗ lũy kế 786,5 tỷ đồng.
Năm 2011, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) đã bắt tay với Công ty CGGVeritas Service Holding BV. để thành lập Công ty TNHH Khảo sát địa vật lý PTSC CGGV (gọi tắt là Công ty) với tỷ lệ góp vốn lần lượt là 51% và 49%. Công ty có thời gian hoạt động 20 năm (Giấy chứng nhận đầu tư số 49102000358 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp ngày 9/11/2011).
Từ khi thành lập, với 2 tàu Bình Minh 02 và Amadeus, Công ty đã thực hiện nhiều dự án khảo sát địa chấn 2D và 3D ở trong và ngoài nước, bao gồm cả vùng biển nước sâu xa bờ, nhạy cảm, góp phần quan trọng và việc thúc đẩy công tác thăm dò dầu khí cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí.
Trong năm 2012 và 2013, hoạt động của Công ty đã đem về lợi nhuận khoảng 376 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2014 đến nay, do giá dầu thô suy giảm và duy trì ở mức thấp kéo dài, khối lượng khảo sát địa chấn trong và ngoài nước giảm mạnh, đơn giá dịch vụ khảo sát đã bị giảm sút so với thời điểm Công ty thành lập. Do đó, hoạt động kinh doanh của Công ty bị ảnh hưởng nặng nề. Từ năm 2014 đến 2017, Công ty lỗ lũy kế tổng cộng 786,5 tỷ đồng.
Đứng trước nguy cơ có thể thua lỗ thêm, tháng 1/2018, Hội đồng thành viên Công ty đã thống nhất giải thể Công ty. Phía PVS đã đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho thoái toàn bộ phần góp vốn của PVS tại Công ty thông qua hình thức chấm dứt hợp đồng liên doanh trước thời hạn và giải thể Công ty theo đúng quy định của pháp luật.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, đề xuất giải thể Công ty của PVS là có căn cứ bởi theo dự báo, nhu cầu khảo sát địa chấn trong nước và nước ngoài trong thời gian tới chưa có khả năng phục hồi. Bên cạnh đó, hoạt động khảo sát địa chấn tại các khu vực nước sâu, xa bờ và nhạy cảm trên Biển Đông đang gặp khó khăn.
Bộ Công Thương cho rằng việc chấm dứt hợp đồng liên doanh và giải thể Công ty thuộc thẩm quyền của PVN. Tuy nhiên do trước đây chủ trương thành lập Công ty được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc nên Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương chấm dứt hợp đồng liên doanh và giải thể Công ty.
Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng giao PVN chỉ đạo hoàn thiện thủ tục chấm dứt hợp đồng liên doanh và giải thể Công ty theo đúng quy định của hợp đồng, Luật Doanh nghiệp và pháp luật liên quan, đồng thời rà soát, xử lý trách nhiệm, hậu quả của việc chấm dứt hợp đồng liên doanh trước thời hạn và giải thể Công ty theo đúng quy định.