Như tin đã đưa, sau khi mua sản phẩm quần áo tại cửa hàng Con Cưng, khách hàng Trương Đình Công Vĩnh (ngụ phường 14, quận Tân Bình) nghi ngờ sản phẩm của Công ty Cổ phần Con Cưng (Con Cưng) có dấu hiệu tem nhãn bị cắt v...
- Phát hiện dấu hiệu bất thường khi kiểm tra cửa hàng Con Cưng / Chuỗi siêu thị Con Cưng Bị Quản lý thị trường kiểm tra hệ thống
Như tin đã đưa, sau khi mua sản phẩm quần áo tại cửa hàng Con Cưng, khách hàng Trương Đình Công Vĩnh (ngụ phường 14, quận Tân Bình) nghi ngờ sản phẩm của Công ty Cổ phần Con Cưng (Con Cưng) có dấu hiệu tem nhãn bị cắt và thay thế bằng tem nhãn CF (Con Cưng Fashion).
Trong đơn khiếu nại, ông Vĩnh cho biết: chiều ngày 22-5, ông đến siêu thị của Con Cưng tại số 788 Âu Cơ (phường 14, quận Tân Bình) để mua hàng với tổng giá trị hóa đơn là gần 1,5 triệu đồng.
Trong đó có bộ quần áo thun bé gái dài tay CF G127011 trị giá 329.000 đồng có dấu hiệu bị cắt tem và thay thế bằng tem nhãn CF có ghi xuất xứ là Made in Thailand.
“Sau đó tôi có khiếu nại tại cửa hàng thì nhân viên giải thích: Đây là sản phẩm chính hãng, khách hàng không có gì phải lo lắng. Tuy nhiên không đồng ý với cách giải thích trên, tôi điện thoại đến đường dây nóng của công ty, nhân viên tổng đài hứa sẽ liên hệ lại”.
Vì không thấy bên nhân viên tổng đài liên lạc nên ông Vĩnh đã mang sản phẩm lỗi đến Công ty Cổ phần Con Cưng để làm rõ sự việc. Trong lần làm gặp đầu tiên giữa ông Vĩnh và Con Cưng, phía công ty khẳng định sẽ làm việc và có phản hồi chính xác về vụ việc với cung cấp Thái Lan và phản hồi cho khách hàng vào thứ 4 ngày 6/6.
Lần việc thứ hai, ông Vĩnh cho biết: “Công ty không có phản hồi về nội dung khiếu nại của tôi là “sản phẩm có bị cắt tem và thay thế bằng tem nhãn khác hay không?”...
Lỗi do nhà sản xuất?
Trên trang Website chính thức của Công Ty Cổ Phần Con Cưng đăng tải về thông tin thu hồi sản phẩm.
Theo đó, Con Cưng cho biết đây là lô hàng được sản xuất bởi Công Ty International Incorporated (Thailand) Co.,Ltd, địa chỉ tại 1771, Phetchaburi road, Khwaeng Bang Kapi, Khet Huai Khwang, Krung Thep Maha Nakhon 10320, có website http://www.wwwint.com/ thông qua Hợp đồng mua bán số PO2017OEM49 ký ngày 10/11/2017 giữa Công Ty Cổ Phần Con Cưng và Công Ty International Incorporated (Thailand) Co.,Ltd theo nguyên tắc FOB tự search.
Nguyên tắc FOB tự search được hiểu là: “Các Doanh nghiệp thực hiện theo phương thức này sẽ nhận mẫu thiết kế từ khách mua nước ngoài hoặc tự thiết kế trình khách mua nước ngoài duyệt và sử dụng nguồn nguyên liệu đạt tiêu chuẩn, đảm bảo yêu cầu kiểm định chất lượng hàng xuất khẩu, sản xuất và vận chuyển thành phẩm tới cảng của khách mua…”.
Phía Con Cưng cho biết thêm trên toàn bộ sản phẩm đều được thể hiện rõ xuất xứ hàng hóa và tiêu chuẩn kỹ thuật theo đúng quy định pháp luật liên quan.
Cũng trong thông tin đăng tải trên Webiste, Con Cưng cho biết lô hàng này được nhập về VN qua Cảng Cát Lái ngày 01/12/2017, và được nhập về kho vào ngày 11, sau đó bán ra trên hệ thống vào 04/01/2018 với tổng số lượng đã bán đi là 3.942 sản phẩm.
Tuy nhiên số lượng khách hàng trả lại sản phẩm chỉ có 47 sản phẩm (từ khách hàng đã mua sản phẩm theo thông báo thu hồi từ Con Cưng ). Đồng thời thu hồi từ hệ thống 5.982 sản phẩm, toàn bộ số sản phẩm này được trả về nhà sản xuất.
Trong bài đăng tải còn ghi: “ Nhà sản xuất đã xác nhận xảy ra lỗi kỹ thuật trong khâu sản xuất thành phẩm. Tuy nhiên hàng hóa đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu của Thái Lan”. Đồng thời Con Cưng khẳng định ngoài vấn đề kỹ thuật nêu trên, chất lượng sản phẩm vẫn được đảm bảo.
Không đồng ý với Con Cưng
Liên hệ với ông Trương Đình Công Vĩnh- ngụ phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM, người đã phát hiện và thông báo về việc nghi Con Cưng thay đổi tem mác, cho biết không đồng ý với các trả lời của phía công ty này.
Được biết ngoài việc nhận được thư xin lỗi và cám ơn của Công ty Con Cưng, công ty gửi tặng ông một phiếu mua hàng trị giá 1 triệu đồng. Nhưng ông Vĩnh không chấp nhận phương án xin lỗi này và cũng không cần tới việc bồi thường của phía Công ty Con Cưng.
“Vấn đề không phải là bồi thường cho tôi, mà vấn đề tôi quan tâm là chất lượng sản phẩm, nguồn gốc chất vải này ở đâu. Rất tiếc Công Ty Cổ Phần Con Cưng lại không đưa ra bằng chứng chứng minh nguồn gốc, chất liệu vải xuất xứ ở đâu, tại sao lại có dấu cắt dán tem”, ông Vĩnh bày tỏ sự không hài lòng trong cách xử lý.
Ông Vinh cho biết thêm, phía Công Ty Cổ Phần Con Cưng chỉ trả lời miệng với tôi những thông tin trên mà không hề có bất cứ một văn bản và chứng cứ hợp pháp nào chứng minh cho những thông tin trên. Theo ông bằng chứng phải là giấy tờ xuất nhập khẩu, chất liệu nguồn gốc sản phẩm... Ở đây không chỉ là minh bạch thông tin mà còn vì vấn đề này ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ em.
“Tôi là người hiểu luật và đồng thời lại có con nhỏ sử dụng những sản phẩm ở đây, vì thế tôi cần có câu trả lời chính xác, trọng tâm và muốn thông tin phải được rõ ràng minh bạch và chứng cứ hợp pháp”, ông Vĩnh cho hay.
Đồng quan điểm với ông Vĩnh, một khách hàng tên Hải Huỳnh chia sẻ: “Đợi cơ quan chức năng kiểm tra một cách khách quan, độc lập và sau đó lên tiếng thì mới nên tin là ai đúng ai sai...”
Chị Nguyễn Lý (P.14 Quận 3) cũng tỏ sự lo ngại khi nhận thông tin: "Tôi có nghe con dâu nói lại về việc nghi Con Cưng thay đổi tem mác của sản phẩm. Lâu nay vẫn mua đồ cho cháu nội ở đây, vì tin tưởng cửa hàng có thương hiệu, chất lượng, giờ nghe vậy đâm lo lắng, không biết sự tình ra sao. Vì giá một bộ đồ hay một đôi dép cũng mắc hơn so với bên ngoài, nếu mua hàng rẻ mà thay tem để tính giá mắc thì lừa người tiêu dùng mất rồi".