Giữa lúc ngành bán lẻ truyền thống gặp khó và hãng thời trang H&M cũng không ngoại lệ đã “ôm” trọn một lô quần áo tồn kho trị giá tới 4 tỷ USD vì kinh doanh ế ẩm. Hôm ...
- Xiaomi được định giá 54 tỷ USD sau khi IPO ở Hồng Kông / Nữ giới đóng vai trò như thế nào trong sự phát triển của doanh nghiệp?
Giữa lúc ngành bán lẻ truyền thống gặp khó và hãng thời trang H&M cũng không ngoại lệ đã “ôm” trọn một lô quần áo tồn kho trị giá tới 4 tỷ USD vì kinh doanh ế ẩm.
Hôm thứ Năm, công ty thời trang Thụy Điển này cho biết tổng trị giá hàng tồn kho trên toàn cầu của hãng trong quý gần nhất đã tăng lên mức 36 tỷ Kronor, tương đương 4 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước, mức tồn kho tăng 13%.
Trong những năm gần đây, hàng tồn kho của H&M ngày càng tăng do tốc độ tăng trưởng doanh thu kém hơn dự báo. Tồn kho lớn khiến lợi nhuận của hãng giảm 28% trong nửa đầu năm 2018.
"Hàng tồn kho giờ đã trở thành một vấn đề lớn đối với H&M", nhà phân tích Adam Cochrane thuộc Citigroup nhận định.
H&M nói sẽ triển khai nhiều chiến lược, bao gồm giảm giá bán hàng, để giảm dần lượng hàng tồn kho trên.
Ông Cochrane nói H&M có thể giảm giá (sales) tại những thị trường nơi người tiêu dùng có phản ứng với các đợt giảm giá. Ngoài ra, công ty cũng có thể bán hàng tồn lại cho các nhà bán lẻ ở các quốc gia nơi H&M chưa mở cửa hiệu bán lẻ.
Một số nhà đầu tư cổ phiếu H&M muốn công ty giảm hàng tồn kho thật nhanh, nhưng ông Cochrane nói hãng sẽ làm việc này một cách từ tốn. "Không khó để giảm tồn kho bằng cách giảm giá mạnh, nhưng điều đó gây rủi ro cho uy tín thương hiệu. H&M sẽ không muốn bị coi là một thương hiệu giảm giá", nhà phân tích nói.
H&M cho biết quần áo không thể bán được sẽ được dùng để làm từ thiện hoặc tái chế.
Những vấn đề H&M đang đối mặt không chỉ nằm ở hàng tồn kho. Giới phân tích nói rằng hãng quá chậm chạp trong việc phát triển bán hàng trên mạng. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu H&M đã giảm giá 18%.
"Nửa đầu năm nay khó khăn hơn nhiều so với chúng tôi dự đoán, nhưng chúng tôi tin tình hình sẽ tốt dần lên trong nửa sau của năm", Giám đốc điều hành (CEO) H&M, ông Karrl-Johan Persson nói ngày 28/6.
Các nhà bán lẻ truyền thống trên khắp thế giới đang đối mặt sức ép ngày càng lớn từ thói quen thay đổi của người tiêu dùng và các công ty thương mại điện tử như Amazon.
Trong một báo cáo hồi tháng 4, Moody’s cho biết số vụ vỡ nợ trong ngành bán lẻ đã đạt mức cao kỷ lục trong 3 tháng đầu năm nay, khi sự nổi lên của thương mại điện tử khiến lợi nhuận của các công ty bán lẻ truyền thông teo tọp.
Sears và Claire’s là hai trong số 8 công ty bán lẻ ở Mỹ vỡ nợ trong quý 1 năm nay, bất chấp nền kinh tế tăng trưởng vững vàng. Trong đó, Claire’s đã lâm cảnh phá sản.
Tại Anh, công ty bách hóa tổng hợp John Lewis tuần này cảnh báo lợi nhuận năm 2018 sẽ giảm mạnh so với năm ngoái. Tháng trước, Marks & Spencer nói sẽ đóng cửa 100 cửa hiệu trong thời gian từ nay đến 2022.