Cụm từ công nghệ thông tin đã không còn xa lạ với mọi người trong thời buổi công nghệ như hiện nay. Nhưng không phải ai cũng biết học công nghệ thông tin thì sẽ phải làm gì sau khi tốt nghiệp. Để tìm hiểu thêm ...
- Thực tập ngành kế toán sẽ làm những công việc gì ở công ty? / Những điều bạn cần biết về quy định, chính sách trợ cấp thất nghiệp
Cụm từ công nghệ thông tin đã không còn xa lạ với mọi người trong thời buổi công nghệ như hiện nay. Nhưng không phải ai cũng biết học công nghệ thông tin thì sẽ phải làm gì sau khi tốt nghiệp. Để tìm hiểu thêm thông tin về những ngành nghề mà sinh viên có thể làm sau khi ra trường, mời bạn tham khảo bài viết sau đây.
Công nghệ thông tin (hay IT – Information Technology) là một thuật ngữ bao gồm phần mềm, mạng lưới internet, hệ thống máy tính sử dụng cho việc phân phối và xử lý dữ liệu, trao đổi, lưu trữ và sử dụng thông tin dưới hình thức khác nhau. Nói nôm na, đây là việc sử dụng công nghệ hiện đại vào việc tạo ra, xử lý, truyền dẫn thông tin, lưu trữ, khai thác thông tin. Hiện nay, ngành Công nghệ thông tin thường phân chia thành 5 chuyên ngành phổ biến, gồm: Khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, hệ thống thông tin, mạng máy tính truyền thông, kỹ thuật phần mềm. Trong đó, hai ngành đang “hot” nhất hiện nay và trong tương lai đó là Kỹ thuật phần mềm và an toàn thông tin. Những công việc của ngành công nghệ thông tin gồm:
Lập trình viên và kiểm định sản phẩm
Một người lập trình viên sẽ phải thành thạo một vài ngôn ngữ lập trình để tạo ra sản phẩm. Có nhiều dạng lập trình viên, tuỳ theo đối tượng, ngôn ngữ lập trình mà một người được học. Trong đó có thể kể đến lập trình ứng dụng desktop, lập trình cơ sở dữ liệu, lập trình website, và lập trình ứng dụng điện thoại…
Một sản phẩm CNTT thường có nhiều thành phần và nhiều chức năng. Vì vậy trước khi hoàn thiện một sản phẩm thì việc kiểm tra các tính năng có đúng thiết kế không là điều vô cùng quan trọng. Đây chính là công việc của những người làm tester (người kiểm tra sản phẩm).
Tư vấn thiết kế và tối ưu hệ thống
Đây là công việc yêu cầu tính sáng tạo để đảm bảo hệ thống (một phần mềm, hay một website hay hệ thống phức hợp) hoạt động tối ưu, rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu đặt ra. Người làm thiết kế không cần hoàn toàn thạo một ngôn ngữ lập trình, nhưng giống như những kiến trúc sư, họ sẽ phải biết được mối liên hệ giữa các thành phần và biết được rằng những ngôn ngữ lập trình có thể làm được gì.
Quản trị mạng và an ninh mạng
Những vị trí công việc liên quan tới quản trị và an ninh mạng sẽ chia làm nhiều cấp. Ở những cấp thấp, người làm không nhất thiết phải biết những kiến thức chuyên sâu trong công nghệ thông tin nhưng ở những vị trí cấp cao, họ thực sự phải có kiến thức sâu rộng. Công việc yêu cầu họ phải đảm bảo cho một hệ thống hoạt động trơn tru và tránh những cuộc tấn công mạng cũng như những lỗ hổng trong hệ thống mà các đối tượng xấu có thể khai thác để làm hư hỏng hệ thống hoặc đánh cắp dữ liệu.
Quản trị mạng là một nghề có thu nhập khá tốt trong thời buổi hiện nay.
Phân tích dữ liệu lớn
Khối lượng dữ liệu thông tin hiện nay vô cùng lớn. Do đó, việc phân tích dữ liệu này đang là thách thức đối với ngành công nghệ thông tin. Việc thu thập được nhiều dữ liệu và phân tích để trích xuất các dữ liệu quan trọng có thể mang lại những lợi ích khổng lồ cho doanh nghiệp. Ví dụ, phân tích dữ liệu tìm kiếm để biết nhu cầu của người dùng và đăng những thông tin quảng cáo phù hợp. Hay như phân tích dữ liệu thị trường chứng khoán để dự đoán giá trong tương lai… Những vị trí công việc liên quan tới dữ liệu lớn thường yêu cầu nhiều tới kiến thức về thuật toán hơn là kỹ năng lập trình.
Trí tuệ nhân tạo
Con người luôn muốn tạo ra những cỗ máy có khả năng học hỏi và đưa ra những suy luận logic như con người, qua đó giúp tự động hoá những tác vụ mà hiện nay cần sự can thiệp của con người. Trí tuệ nhân tạo là một ngành đang và sẽ phát triển rất mạnh trong tương lai. Cũng giống như việc phân tích dữ liệu lớn, công việc này đòi hỏi nhiều kiến thức toán học và tư duy logic.
Công nghệ thông tin trong các ngành khác
Ngày nay, ngành công nghệ thông tin đã được chuyên môn hoá thành các ngành nhỏ nhằm bổ trợ cho các ngành chính khác. Một số ví dụ về các phân ngành liên quan như: Toán tin, tin kinh tế, tin sinh học, tin học ứng dụng chăm sóc sức khỏe con người… Những vị trí công việc trong những phân ngành này đòi hỏi không chỉ kiến thức công nghệ thông tin mà còn kiến thức của ngành liên quan. Tuỳ theo từng vị trí và tính cách công việc mà khối lượng kiến thức về công nghệ thông tin nhiều hay ít.
Công nghệ thông tin có mặt trong tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống xã hội hiện nay. Vì vậy sinh viên công nghệ thông tin ra trường sẽ không phải lo lắng quá nhiều về vấn đề việc làm như đối với các ngành học khác.
Bạn cũng đừng quá lo lắng tới vấn đề học công nghệ thông tin ra trường làm gì bởi cơ hội việc làm lớn và mức lương cao. Nếu bạn có niềm yêu thích với máy tính, ham học hỏi, không ngại khó, ngại khổ thì hãy dũng cảm lựa chọn ngành nghề này. Và nhớ phải theo đuổi nó đến cùng.