Ai cũng sẽ có những lúc cảm thấy mệt mỏi sau một ngày làm việc, nhưng nếu tình trạng căng thẳng và mệt mỏi kéo dài từ ngày này qua tháng nọ, có thể bạn đang bị hội chứng kiệt sức vì công việc (job burnou...
- Lý do khiến bạn mất tập trung làm công việc trở nên không hiệu quả / Người thành công có thói quen làm gì vào giờ nghỉ trưa
Ai cũng sẽ có những lúc cảm thấy mệt mỏi sau một ngày làm việc, nhưng nếu tình trạng căng thẳng và mệt mỏi kéo dài từ ngày này qua tháng nọ, có thể bạn đang bị hội chứng kiệt sức vì công việc (job burnout).
Chuyên gia về hội chứng kiệt sức vì công việc Ben Fanning và các chuyên gia y tế khác đã đưa ra một số dấu hiệu cảnh báo cụ thể như sau:
1. Cảm thấy cạn năng lượng sau giờ làm việc
Khi bị kiệt sức vì công việc, bạn sẽ luôn cảm thấy thiếu năng lượng sau giờ làm đến mức không thể thực hiện những việc bình thường như nấu ăn, tập thể thao hoặc chăm sóc gia đình.
2. Xem nhẹ cách ứng xử với đồng nghiệp
Nếu bạn đang muốn nghỉ việc hoặc cảm thấy “phát ngấy” với chuyện phải tiếp xúc với những gương mặt quen thuộc mỗi ngày, đó có thể là dấu hiệu của sự kiệt sức.
3. Thường xuyên được hỏi về cảm xúc của bản thân
Đồng nghiệp có thường xuyên thể hiện sự lo lắng về tình trạng của bạn? Nếu có, đây chính là một tín hiệu nên lưu tâm.
4. Trữ sẵn thuốc giảm đau tại bàn làm việc
Nhiều văn phòng có sẵn thuốc giảm đau cho nhân viên phòng trường hợp họ bị đau đầu. Nhưng nếu bạn phải dùng thuốc thường xuyên đến mức phải trữ sẵn tại bàn của mình, điều đó cho thấy bạn đang bị quá tải vì công việc.
5. Không dành thời gian cho đồng nghiệp
Những nhân viên có dấu hiệu kiệt sức thường né tránh bữa ăn trưa cùng mọi người hoặc những sự kiện tụ tập, vì họ đã đánh mất sự quan tâm đến chuyện xây dựng mối quan hệ.
6. Mô tả công việc chỉ với một từ “Tốt”
Một dấu hiệu rõ ràng của tình trạng kiệt sức là khi được gia đình, bạn bè hỏi về công việc, dù là công việc mới hoặc công việc lâu năm, bạn chỉ trả lời đơn giản bằng một từ “Tốt”.
7. Cảm thấy được giải phóng sau ngày làm việc cuối tuần
Bạn đang bị căng thẳng quá độ khi thực sự cảm thấy như được giải phóng vì ngày hôm sau sẽ được nghỉ cuối tuần.
8. Khiếp sợ ngày thứ Hai
Tương tự như vậy, việc sợ hãi ngày làm việc đầu tuần cũng cho thấy bạn đang bị kiệt sức vì công việc hiện tại.
9. Giấc ngủ thất thường
Thông thường, những người quá căng thẳng vì công việc sẽ bị mất ngủ vì một điều gì đó họ đã làm (hoặc không làm) tại nơi làm việc.
10. Đặt báo thức quá sớm rồi ngủ tiếp
Các dấu hiệu của sự kiệt sức do công việc có thể được biểu hiện ở việc đầu tiên bạn làm trong buổi sáng. Ví dụ, bạn cảm thấy quá mệt mỏi nên quyết định ngủ tiếp khi chuông báo thức reo hết lần này đến lần khác, để rồi sau đó phải “điên cuồng” chuẩn bị mọi thứ trong tình trạng sắp trễ giờ làm.
11. Không còn hy vọng về một sự thay đổi
Khi quá căng thẳng, bạn thường dễ dàng quên mất rằng có một thực tế là công ty/tổ chức và môi trường làm việc luôn liên tục thay đổi. Nếu cảm thấy thất vọng về sếp hoặc một điều gì đó của công ty, đôi khi giải pháp hiệu quả lại chính là bình tĩnh chờ đợi sự thay đổi xảy đến.
12. Siết chặt quai hàm khi bước qua cửa văn phòng
Một việc đơn giản là bước qua cánh cửa phòng làm việc không nên được thực hiện với một quai hàm siết chặt. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang quá căng thẳng, lo lắng về công việc.
13. Không thể thư giãn
Một dấu hiệu nữa là ngay cả khi đang được tận hưởng những liệu pháp thư giãn như mát-xa, bạn cũng không thể cảm thấy thoải mái.
14. Nhận thấy đồng nghiệp có thái độ ngập ngừng với mình
Thấy nhiều đồng nghiệp có thái độ ngập ngừng khó hiểu với mình chính là dấu hiệu rõ ràng rằng bạn đang phải trải qua một giai đoạn khó khăn.
15. Sợ hãi việc tìm kiếm công việc mới
Thậm chí khi biết đã đến thời điểm thích hợp để tìm một công việc mới, bạn vẫn cảm thấy sợ hãi đến mức không muốn dành thời gian cho nó.
16. Than phiền quá mức với những người thân thiết
Dù sự chia sẻ có thể hữu ích nhưng những vấn đề tại nơi làm việc của bạn không nên luôn là điều gì đó quá quan trọng với những người thân thiết.
Và nếu bạn đang làm việc này có nghĩa là bạn đang rất căng thẳng vì công việc.
17. Xem công việc như một “mớ nợ đời”
Một khi đánh mất hứng thú với công việc và không thiết tha gì đến chuyện cải thiện tình hình đó, bạn có thể đã xem công việc, công ty như một “mớ nợ đời” không hơn không kém.
18. Hiếm khi có cảm thấy mình đang tiến bộ
Cảm giác không tiến bộ hoặc thấy như mình đang bị “mắc kẹt” có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang cần một công việc mới hoặc một kỳ nghỉ.
19. Thường xuyên cảm thấy bị quá tải
Tình trạng căng thẳng trong công việc là chuyện khó tránh khỏi nhưng nếu tình trạng này diễn ra tại mọi thời điểm thì chính là dấu hiệu của một sự bất ổn.
20. Quên mất thành tựu gần nhất trong công việc
Không nhớ được lần cuối cùng cảm thấy hài lòng hoặc thành quả gần nhất trong công việc là gì cũng là biểu hiện của tình trạng kiệt sức.
21. Thường xuyên mất bình tĩnh
Căng thẳng có thể dẫn đến tình trạng thường xuyên nổi nóng và trút giận vô cớ lên mọi người xung quanh.
22. Mơ mộng về việc nghỉ việc
Tìm một công việc mới để có mức lương cao hơn hoặc tìm một môi trường làm việc tốt hơn là một hướng đi tích cực, nhưng một dấu hiệu cho thấy bạn đang kiệt sức là khi bạn chỉ đơn thuần nghĩ đến nghỉ việc mà không vì một lý do gì cụ thể.
23. Dùng viên nhai điều trị dạ dày như thể ăn… kẹo
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa sự căng thẳng vì công việc và các triệu chứng trào ngược dạ dày như ợ nóng và buồn nôn. Việc phải liên tục dùng viên nhai điều trị dạ dày có thể là một dấu hiệu của tình trạng kiệt sức vì công việc.
24. Bệnh thường xuyên
Khi bị stress lâu ngày, hệ thống miễn dịch của bạn sẽ không thể hoạt động hết công suất, do đó, cơ thể sẽ nhạy cảm hơn với bệnh tật.
Nếu bạn liên tục phải chống chọi với bệnh cảm lạnh, cảm cúm, đây có thể là dấu hiệu cho thấy sự kiệt sức đang hủy hoại cơ thể bạn.
25. Suy giảm trí nhớ trầm trọng
Tình trạng căng thẳng mãn tính – stress lâu ngày do công việc – có thể tác động đến não bộ, làm thay đổi cảm xúc, khả năng học hỏi và trí nhớ. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người bị kiệt sức vì công việc dễ gặp vấn đề về sự tập trung và suy giảm trí nhớ.